KTĐB – Rằm tháng Giêng là một trong những lễ cúng quan trọng trong năm theo phong tục của người Việt, diễn ra vào ngày rằm đầu tiên của năm. Người xưa có câu: “Lễ quanh năm không bằng lễ rằm tháng Giêng” để nói về lên tầm quan trọng của rằm tháng Giêng trong tâm thức người Việt.

Người Việt coi trọng ngày này vì cho rằng ‘đầu xuôi đuôi lọt’, cúng cầu an ngày rằm đầu tiên mong một năm phước lành.
Bài cúng rằm tháng Giêng tại chùa năm Tân Sửu
Cúng rằm tháng Giêng là một trong những lễ quan trọng trong quan niệm của người Việt, mâm cỗ cúng Thiên Quan Tấn Phước cần những lễ gì? Nội dung bài văn khấn cũng không cần quá phức tạp, gia chủ có thể tham khảo mẫu văn đơn giản nhất như sau:

Kính lạy Thần linh Thổ địa… Gia tiên họ…. bà cô ông mãnh, chư vị tiên linh. Hôm nay là ngày rằm tháng Giêng, năm Tân Sửu. Chúng con là… Ngụ tại…Chúng con thành tâm, bày biện hương hoa, nghi lễ cung trần, dâng hiến Tôn Thần, đốt nén tâm hương, dốc lòng bái thỉnh.Kính xin phù hộ độ trì, con cháu mạnh khỏe, gia đạo bình an, sở cầu như ý.
Chúng con kính mời ngày Bản cảnh Thành hoàng chư vị Đại Vương, ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, Ngũ phương, Long mạch, Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.
Chúng con kính mời các các cụ Tổ Khảo, Tổ Tỷ, chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại họ…. nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.
Tín chủ con lại kính mời ông bà tiền chủ, hậu chủ tại gia về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tôn lành. Bốn mùa không hạn ách, tám tiết hưởng an bình.
Khấn xong, vái 3 vái.
Vì sao rằm tháng Giêng được xem là rằm lớn trong năm?
Một chuyên gia nghiên cứu tôn giáo tại trường ĐH Quốc gia TP.HCM chia sẻ, theo quan niệm của người Việt, trong năm có 3 Rằm lớn là:
- Rằm tháng Giêng
- Rằm tháng 7
- Rằm tháng 10 hay còn gọi Tết Thượng nguyên, Tết Trung nguyên và Tết Hạ nguyên.

“Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”
Vị này cho biết, Rằm tháng Giêng là ngày Rằm đầu tiên của năm, với niềm tin sẽ mang lại một năm mới phước lành, gặp nhiều điều may mắn, mưa thuận gió hòa, cả năm hanh thông.
Bởi vì cuộc sống của người Việt xưa phụ thuộc phần lớn vào nghề nông, nên mới mọi văn hóa tín ngưỡng thường gắn liền với trời (thiên quan tấn phước – Rằm tháng Giêng), đất (địa quan xá tội – Rằm tháng bảy) và nước (thủy quan giải ách – Rằm tháng mười). Mưa thuận gió hòa là điều đặc biệt quan trọng đối với người Việt. Hơn nữa văn hóa tín ngưỡng Đông Nam Á luôn coi trọng lần đầu với quan niệm “đầu xuôi đuôi lọt” nên thường nói “Lễ Phật quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng“.

Cũng trong thời điểm này, cộng đồng người Hoa đông đảo sinh sống tại TP.HCM lại đón Tết Nguyên tiêu trùng với ngày Thiên Quan Tấn Phước. Người Việt lại có dịp chứng kiến người Hoa đón Tết. Họ thường chuẩn bị bánh tổ, treo đèn lồng đỏ, múa lân sư rồng và ăn Tết lớn.
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng 2021 đầy đủ gồm những gì?
Mâm cỗ cúng rằm tháng Giêng 2021 hầu như không thể thiếu thịt gà, xôi gấc/bánh chưng. Gà là vật cúng tế linh thiêng nhất, còn xôi gấc có màu đỏ sẽ mang đến may mắn cho gia đình trong năm mới. Đặc biệt trong mâm lễ phải có bánh trôi (chè trôi nước). Ý nghĩa của việc ăn bánh trôi ngày Tết Nguyên tiêu là mong muốn mọi việc quanh năm được hanh thông, trôi chảy. Ngoài ra còn có các vật phẩm khác như: Hương hoa vàng mã; đèn nến; trầu cau; rượu.

Ở nhiều địa phương, người dân chuẩn bị mâm cỗ cúng rằm Thiên Quan Tấn Phước rất thịnh soạn. Nhiều món ăn truyền thống không khác so với những ngày Tết. Cúng rằm tháng Giêng không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy mà gia đình nên “tùy tiền biện lễ”, dựa vào điều kiện kinh tế của gia chủ mà chuẩn bị sao cho phù hợp, chú trọng yếu tố thành tâm, nghiêm túc.
Gợi ý mâm cỗ mặn cúng rằm tháng Giêng
Một mâm lễ mặn cúng rằm tháng Giêng cơ bản bao gồm:
- Năm lạng thịt vai luộc
- Một bát canh măng
- Một đĩa xào thập cẩm
- Một đĩa nem
- Một đĩa rau xào
- Một đĩa giò
- Một đĩa xôi gấc
- Một đĩa hoa quả

Mâm cỗ chay cúng rằm tháng Giêng 2021
Ngoài cỗ mặn, một số gia đình còn chuẩn bị mâm cỗ chay cúng Phật gồm:
- Hoa quả.
- Chè xôi.
- Các món đậu.
- Canh xào không thêm nhiều hương liệu.
- Bánh trôi nước.
Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của các màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Theo các chuyên gia kinh tế, những năm gần đây do xu hướng người dân chuyển sang thích ăn chay nhiều hơn, ưa chuộng các sản phẩm chay có nguồn gốc từ nông sản hữu cơ. Với tâm niệm ăn chay để thanh tịnh cơ thể, cầu phúc lộc trong năm mới, đồng thời ăn chay đúng cách cũng giúp con người mạnh khỏe hơn.
Vì vậy, những ngày này mặt hàng thực phẩm chay phục vụ nhu cầu cúng lễ ngày Rằm Thiên Quan Tấn Phước bắt đầu sôi động, sản phẩm đồ ăn chay cũng rất đa dạng, phong phú, hấp dẫn, dễ ăn không khác gì các sản phẩm mặn nên sức tiêu thụ tăng mạnh, nhất là sản phẩm do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất.