Sáng nay 07/12/2020, theo tin Kythuatdanhbai ghi nhận được, hàng trăm tài xế Grab đình công bằng việc tắt ứng dụng và tập trung tại văn phòng Grab ở Hà Nội. Sự việc gây xôn xao của tài xế công nghệ nhằm phản đối mức khấu trừ mỗi chuyến xe vừa tăng từ 20% lên hơn 27,2%.

Phần lớn tài xế đều cho rằng mức thu này quá cao và lo thu nhập thực nhận giảm mạnh trong bối cảnh cuộc sống ngày càng khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh.
Cuộc đình công gây xôn xao của tài xế công nghệ
Đầu giờ chiều, lượng tài xế kéo về khu vực phố Duy Tân (Cầu Giấy), nơi có văn phòng của Grab tại Hà Nội ngày càng đông. Thậm chí, các tài xế bấm còi xe, căng băng rôn phản đối và livestream.
Những người này kêu gọi nhau chạy qua nhiều tuyến phố như Cầu Giấy, Láng, Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh. Sau đó, đoàn xe tiếp tục chạy lên khu vực quanh Hồ Hoàn Kiếm. Do số lượng tài xế đổ về quá đông khiến giao thông khu vực này đi lại gặp nhiều khó khăn nên Công an quận Cầu Giấy đã cử lực lượng đến nhắc nhở để đảm bảo an ninh, trật tự.

Trước đây đã từng có cuộc đình công tương tự. Khi mới ra mắt, các ứng dụng gọi xe thường mở rộng thị phần bằng các chương trình khuyến mãi cho khách hàng hoặc chiến dịch tiền thưởng để giữ chân tài xế. Sau thời gian “đổ tiền” nuôi ứng dụng, các ứng dụng gọi xe sẽ thay đổi chương trình khuyến mãi và chính sách tiền thưởng đối với tài xế. Đây cũng là nguồn cơn dẫn đến những cuộc đình công của tài xế công nghệ khi tiền thưởng “nuôi” các chuyến xe không còn.
Một nam tài xế cho biết việc Grab tăng giá cước cho mỗi chuyến đi là quá bất công đối với tài xế, điều này khiến anh và nhiều tài xế khác rất bức xúc.
Block "poker-post" not found
Hoàn cảnh những tài xế Grab đình công
Anh M., một tài xế đã chạy GrabBike được 3 năm chia sẻ, “Với chuyến xe 7,5 km cước 75.000 đồng, sau khi trừ phí sử dụng ứng dụng và thuế gần 21.000 đồng, tôi chỉ nhận về khoảng 53.000 đồng.”
Tuy nhiên, anh cho biết “nếu tính cả chi phí xăng, điện thoại, sửa chữa bảo dưỡng xe… thì chỉ thực nhận về khoảng 40.000 đồng. Còn các cuốc ngắn khoảng 2-3km, tài xế có thể chỉ thu về được bằng 50% giá chuyến xe.” Do đó, anh cũng như nhiều tài xế khác đang rất muốn Grab tính toán giảm tỷ lệ khấu trừ để đảm bảo thu nhập tài xế như trước đây.

Anh Sơn, chạy GrabBike từ năm 2019 cho biết mỗi tháng gửi về cho vợ, con tại Thanh Hóa bình quân 6-7 triệu sau khi đã trừ tiền ăn uống, sinh hoạt phí… Để đạt được mức này, mỗi ngày anh phải chạy xe khoảng 15-16 tiếng. “Tôi đang rất lo thời gian tới không đủ lo cho gia đình, không sống được bằng nghề này khi mức khấu trừ tăng đến hơn 27%. Tôi ủng hộ việc nộp thuế nhưng mong muốn Grab có sự chia sẻ cùng anh em lái xe đã rất vất vả hoặc giảm phí sử dụng ứng dụng”, anh Sơn nói.
Hiện các tài xế vẫn tiếp tục đình công, có nhóm vẫn cắm chốt tại văn phòng Grab để chờ câu trả lời, một số nhóm vẫn đang tập trung tại các phố trung tâm Hà Nội…
Trước đó, để đảm bảo thu nhập cho tài xế khi thuế VAT tăng theo Nghị định 126, Grab vừa tăng giá 5-6% dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc.
Theo đó, giá cước 2km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5-12. Mức cước này tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng… tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng.
Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi kilomet (sau 2km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500-1.000 đồng tùy từng thành phố, trong đó 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh.